Vĩnh Yên - Tháp Bình Sơn - Núi Sáng - Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức - Làng nghề đá Hải Lựu - Vườn cò - Chọi trâu Hải Lựu

Vĩnh Yên - Tháp Bình Sơn - Núi Sáng - Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức - Làng nghề đá Hải Lựu - Vườn cò - Chọi trâu Hải Lựu

1. Tháp Bình Sơn

Bên dòng Lô giang trong xanh, tọa lạc một cây tháp đỏ như ngọn lửa cháy suốt từ thời Trần, như cây bút viết nên trời xanh…đó là tháp Bình Sơn niềm tự hào của nhân dân Vĩnh Phúc và của cả dân tộc Việt Nam, một di tích cấp Quốc gia độc đáo hiếm có, một di sản văn hóa bất hủ lừng lững trường tồn cùng năm tháng.

Thời gian qua đi càng sáng thêm những giá trị siêu việt về kiến trúc, mỹ thuật, kỹ thuật xây dựng, hậu thế càng ngộ ra bao điều cha ông đã gửi gắm trong đó.

Vì hoàn toàn bằng đất nung mà không bị rêu phong cỏ mọc, vì giáp nối mộng mẹo mà còn mãi với thời gian, đó là trí tuệ, uy nghi mà vẫn mềm mại, uyển chuyển, chắc khỏe mà phòng khoáng, tinh tế hoa văn lá đề…

Đến đây du khách sẽ được nghe nhiều chuyện kỳ thú về sự biến hóa của ngôi tháp xanh, bên cạnh có một cái ao…phải chăng ngọn bút và nghiên mực là biểu tượng cha ông sáng tạo tháp Bình Sơn muốn khắc họa.

2.  Núi Sáng

Núi Sáng là ngọn núi cáo nhất trong dãy núi Lịch đang được đánh thức tiềm năng còn sơ khai, tinh khôi – chính đó lại là một lợi thế cho du lịch sinh thái, tâm linh, vì du khách được hưởng môi trường trong sạch, trầm mặc, thanh u, có nhiều cơ hội được thử thách, khám phá nhiều điều mới lạ. Bao nhiêu bí ẩn từ cảnh quan, địa thế, địa danh nơi đây, bao nhiêu chuyện kể như cổ tích, huyền sử, tương truyền… mà phải đến tận nơi mới cảm nhận được sự thú vị đó.

Chỉ trong phạm vi vài cây số, khu du lịch Sáng Sơn có cả một quần thể các điểm du lịch đặc sắc với những cái tên gợi cảm; Thác bay, Bách bung, hồ Bò lạc, núi Hình nhân, ao Vua… ngay chân núi phía nam là hồ Vân trục thơ mộng, gần đó là bạt ngàn vườn Thanh Long chín đỏ, một đặc sản mới và quý hiếm.

Đến đây du khách được tham quan vườn cò, làng nghề đánh cá Hải Lựu, lui xuống là đoạn sông Lô hiền hòa, hùng tráng một thời đi vào thơ ca, âm nhạc. Du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng một tuyệt tác kiến trúc, mỹ thuật thời Lý – Trần.

3. Thiền Viện Trúc Lâm Tuệ Đức 

Tọa lạc trên núi Hình Nhân, có độ cao từ 250 – 350m thuộc xã Đồng Quế, trên nền chùa tháp Kim Tôn từ thời Trần, nay còn nhiều di vật quý, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức được xây dựng từ tháng 4 năm 2010.

     

Là một công trình kiến trúc đẹp tráng lệ với không gian cao xanh, tĩnh mịch, u huyền... dưới chân núi có hồ Bò lạc xanh biếc lung linh bóng núi ẩn chứa nhiều sự tích xa xưa, làm cho Sáng Sơn trở nên thắng cảnh có sức mời gọi. Nơi đây đang hình thành một khu di tích văn hóa, tâm linh, sinh thái hấp dẫn hàng vạn du khách, phật tử.

4. Làng nghề đá Hải Lựu

Là một làng nghề tồn tại hàng trăm năm nay ở xã miền núi Hải Lựu – Sông Lô. Để sản xuất ra những sản phẩm từ đá những người thợ đá phải lên tận đồng Trổ đồng Trăm của núi Thét mới lấy được những thớ đá không bị ròn, màu sắc đẹp để chế tác ra sản phẩm. Bằng những công cụ thô sơ như chòng, búa, com ba, đục và với tâm huyết của người thợ, những phiến đá thô giáp sần sùi chỉ qua vài nét chạm trổ, đục đã trở thành những vật dụng có ích phục vụ đời sống.  

Trước kia làng đá Hải Lựu chỉ sản xuất cối đá nhưng ngày nay đã sản xuất thêm những sản phẩm như: máng lợn, cối giã cua, lư hương, bia đá…và những hàng mỹ nghệ như: chó, voi, sư tử hí cầu, tượng phật bà quan âm…. Với tính cần cù chịu khó, với những nghệ nhân đã được đào tạo, với vốn cổ truyền thống và tài nguyên phong phú. Nghề đục đá Hải Lựu có rất nhiều triển vọng phát triển và đã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. 

5. Vườn cò Hải Lựu 

Xã Hải Lựu ở phía đông bắc huyện Sông Lô với nhiều địa danh đã đi vào sử sách như sông Lô, đình Bát Cổ, chùa Am Khánh Tự và khu du lịch sinh thái Vườn cò Hải Lựu đã được nhiều người biết đến.

Vườn cò Hải Lựu chiếm một nguồn tài nguyên động thực vật quan trọng và hấp dẫn của huyện Sông Lô cũng như của Vĩnh Phúc. Một số loài chim làm tổ ở đây chiếm ưu thế về tính đa dạng di truyền, gồm các loài như cò lửa, cò lửa lùn, cò bợ, cò ruồi, cò xanh…Mùa sinh sản của các loài chim phụ thuộc vào sự đến sớm hay muộn của mùa mưa, chất lượng cây mà chúng làm tổ và nguồn thức ăn. Sự bắt đầu và kết thúc của mùa sinh sản đối với mỗi mùa diễn ra vào những thời gian khác nhau. Thực vật ở vườn chim hiện nay là những cây thuộc hệ sinh thái rừng còn sót lại do hậu quả của việc khai phá đất làm nông nghiệp như: Tre, trám, xoan, trẩu, sung, nhãn….Đây là những cây chim dùng để làm tổ, trong đó cây tre là cây có nhiều loài chim làm tổ nhất.

6. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu

Lễ hội chọi trâu Hải lựu là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất việt nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công Nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông lô Vĩnh Phúc để tổ chúc đánh giặc. Sau mỗi trận thắng Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quả cảm như các đấu sĩ trâu. Trâu sau khi chọi được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó. Truyền rằng các quân được ăn thịt trâu chọi thân hình tráng kiệt sức khỏe hơn người chính vì thế mà người dân Hải Lựu luôn trụ vững trước quân xâm lược.

Du khách đến với Hải Lựu vào dịp đầu xuân sẽ được thưởng thức một lễ hội được coi là cổ xưa nhất của Việt Nam- Lễ hội chọi trâu Hải Lựu

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Bản quyền thuộc về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

xtdlvp@gmail.com
0211 2211 637 - 0211 2211 647
Đường Lạc Long Quân, P. Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

IZOMI