1. Đền Bắc Cung
Đền Bắc Cung hay còn gọi là Đền Thính cách thị trấn Yên Lạc gần 1km, thuộc xã Tam Hồng – Yên Lạc, là một trong tứ cung thờ Tản Viên Sơn thánh. Thần Tản Viên là một vị thần đứng đầu trong thần thoại Việt Nam. Thần là con rể Vua Hùng thứ 18, đã dạy dân trị thuỷ, đã đi hết làng này sang chạ khác ở bộ Văn Lang xưa, cùng dân săn bắt muông thú, thả cá, làm bánh, làm mắm ăn và đánh giặc.
Truyền thuyết kể rằng: “Tản Viên Sơn thánh dạo chơi trong vùng và cắm gậy tiên xuống đất làng Thư Xá. Mảnh đất từ đó rất thiêng, dân chúng mới dựng đền Bắc Cung. Tất cả triều Vua đều có chiếu chỉ giao cho hai tổng duy trì việc thờ phụng…”
Lễ hội đền Thính được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm với nhiều nghi thức lễ và nhiều trò chơi văn hoá dân gian như: kéo co, đấu vật, chọi gà, cờ người…
2. Chùa Biện Sơn
Tọa lạc bên bờ sông Loan, chùa có khuôn viên đẹp và thanh tịnh dưới những tán cây hàng trăm tuổi, có kiến trúc hoành tráng, độc đáo, hài hòa với cảnh quan, giữ được nét cổ kính của ngôi chùa cổ Việt Nam.
Chùa có nhiều tượng phật đẹp lộng lẫy (Bát bộ kim cương), đặc biệt là có Đại bảo tháp bằng đồng nguyên chất lớn nhất cao 7,7m nặng 12 tấn lưu giữ nhiều xá lợi nhất Việt Nam (450 viên). Bên cạnh nhiều bảo tháp như cây bút trời ban tặng là giếng đá như nghiên mực tạo thành 1 kiệt tác uyên linh tô điểm cho chùa Biện Sơn một dáng vẻ thâm nghiêm nhưng đầy thơ mộng.
Đây là một ngôi chùa cổ ở Vĩnh Phúc mới được trùng tu, tôn tạo, hàng năm có hàng chục ngàn du khách, phật tử đến thăm viếng, chiêm bái.
3. Khu di tích chỉ khảo cổ học Đồng Đậu
Đây là khu di chỉ quý hiếm ở nước ta với hàng tấn hiện vật cho thấy nền văn hóa khá rực rỡ thời Hùng Vương dựng nước (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đặc biệt duy nhất ở nước ta, nơi đây khai quật được 2 di cốt người Việt cổ.
Di tích Đồng Đậu – niềm tự hào của nhân dân Vĩnh Phúc nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, nó có tầm ảnh hưởng quan trọng ở Đông Nam Á.
0 bình luận