Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, vì vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia.
Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1950, trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh: Vĩnh Yên và Phúc Yên, năm 1968 sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, từ ngày 01 tháng 01 năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2008, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc chuyển về thành phố Hà Nội.
Từ mấy ngàn năm trước, đất đai tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay đã nằm trong một cõi chung, có điều chưa gọi là tỉnh, là Vĩnh Yên, Phúc Yên, Vĩnh Phúc mà mang địa danh khác, theo cách phân vùng hành chính khác với bây giờ.
Thời đại Hùng Vương, nước ta có Văn Lang. Nước Văn Lang có 15 bộ, trong đó Văn Lang là bộ gốc, trung tâm của nước Văn Lang nằm trên hợp lưu của 3 con sông: sông Thao, sông Đà, sông Lô. Lãnh thổ bộ Văn Lang trải rộng ra hai bên sông Thao, sông Hồng, từ dãy núi Ba Vì sang dãy núi Tam Đảo. Như vậy, đất đai tỉnh Vĩnh Phúc bây giờ nằm trong bộ Văn Lang xưa. Và không phải ngẫu nhiên mà người ta nói, cùng với Phú Thọ, Vĩnh Phúc là một vùng đất cổ, nơi sinh tụ đầu tiên của cư dân nước Việt.
Về vị trí địa lý: Vĩnh Phúc là cửa ngõ của Thủ đô, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên 1.231km2, phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp Hà Nội, phía Đông giáp 2 huyện Sóc Sơn và Đông Anh - Hà Nội.
Về địa hình: Phía Bắc Vĩnh Phúc có dãy núi Tam Đảo kéo dài từ xã Đạo Trù (Tam Đảo) đến xã Ngọc Thanh (Phúc Yên), phía Tây Nam được bao bọc bởi sông Hồng và sông Lô, tạo nên dạng địa hình thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam và chia tỉnh thành ba vùng có địa hình đặc trưng: đồng bằng, gò đồi, núi thấp và trung bình.
Về khí hậu: Vĩnh Phúc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đặc điểm khí hậu của vùng trung du miền núi phía Bắc. Mùa khô (từ tháng 11 năm nay đến tháng 4 năm sau) chỉ chiếm 20% tổng lượng mưa trong năm.
Vĩnh Phúc có bốn con sông chính chảy qua, gồm: sông Hồng, sông Lô, sông Đáy và sông Cà Lồ. Các đầm, hồ thiên tạo: Đầm Vạc (Vĩnh Yên), đầm Rưng, Vực Xanh, vực Quảng Cư, đầm Kiên Cương (Vĩnh Tường), đầm Tam Hồng, đầm Cốc Lâm (Yên Lạc), hồ Đá Ngang, hồ Khuôn, hồ Suối Sải (Sông Lô), đầm Riệu (Phúc Yên)... Các đầm, hồ nhân tạo gồm: Hồ Đại Lải (Phúc Yên), hồ Xạ Hương (Tam Đảo), hồ Làng Hà (Tam Đảo), hồ Vân Trục (Lập Thạch), hồ Bò Lạc (Sông Lô)...
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh tập trung chủ yếu ở huyện Tam Đảo, chiếm 74,49% diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh; đây cũng là nơi có Vườn Quốc gia Tam Đảo. Vĩnh Phúc có các kiểu rừng sau: rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp: phân bố ở độ cao 700m; rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình: phân bố ở độ cao 800m trở lên; rừng lùn trên đỉnh núi; rừng tre nứa; rừng phục hồi sau nương rẫy và rừng trồng.
Hệ động vật ở Tam Đảo rất phong phú về thành phần loài. Vườn Quốc gia Tam Đảo là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, có giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường, điều tiết và cung cấp nước, phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch, nghỉ dưỡng, cung cấp lâm sản, dược liệu. Với độ che phủ rừng chiếm 90% diện tích, có thể coi vườn Quốc gia Tam Đảo là kho dự trữ các nguồn gen động, thực vật quý hiếm của nước ta, và là điểm du lịch hấp dẫn.
Vĩnh Phúc là một trong “tứ trấn” phên giậu của kinh thành Thăng Long xưa và tự hào là quê hương của Hai Bà Trưng khởi nghĩa, của danh tướng Trần Nguyên Hãn, của lãnh tụ nông dân khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương – Quận Hẻo, anh hùng khởi nghĩa Thái Nguyên – Đội Cấn, Chủ tịch Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học cùng hàng trăm nhà khoa bảng, tiến sĩ danh tiếng các triều.
Trên nền tự nhiên - lịch sử - văn hóa ấy, những chứng tích vật thể đình đền chùa miếu còn lại ở Vĩnh Phúc có mật độ đậm đặc, loại hình phong phú và có tính liên tục không cách quãng. Toàn tỉnh hiện có 967 di tích lịch sử văn hoá, trong đó 288 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Trải qua quá trình phát triển thăng trầm của lịch sử cho đến ngày nay, trên địa bàn tỉnh có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn phong phú mang giá trị cao như: Khu Di tích Danh thắng Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, tháp Bình Sơn – chùa Vĩnh Khánh, chùa Hà Tiên, cụm đình Hương Canh, đình Thổ Tang, Khu Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu… các lễ hội truyền thống (lễ hội Tây Thiên, lễ hội Chọi trâu, lễ hội đền Thính…); các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo (hát Trống quân, hát Soọng cô, hát Sình ca…) và các sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống (làng gốm Hương Canh, làng mộc Thanh Lãng, làng rắn Vĩnh Sơn, làng rèn Lý Nhân, nghề đá Hải Lựu…); trò chơi dân gian đặc sắc cùng nhiều món ăn đặc sản mang đậm màu sắc địa phương của Vĩnh Phúc cũng là sức hút du khách.
Vĩnh Phúc có quốc lộ 2, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh cùng với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai – Côn Minh (Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển du lịch. Nằm kề với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, một trong 2 cảng hàng không lớn nhất cả nước. Do nằm gần Hà Nội nên du khách có thể dễ dàng di chuyển tới Vĩnh Phúc bằng nhiều phương tiện khác nhau như: ô tô, xe bus, xe máy, taxi…
- Nếu đi bằng xe khách, từ bến xe Mỹ Đình có các nhà xe đi Vĩnh Phúc với giá vé 60.000 – 80.000 đồng/vé, thời gian đi xe khách: 1,5 – 2h.
- Nếu đi bằng phương tiện cá nhân (ô tô): Từ trung tâm Hà Nội đi theo đường cao tốc Thăng Long
- Nội Bài (gần 20 km), gặp quốc lộ 2 đi về hướng Tây – Tây Bắc khoảng 26 km nữa là đến địa phận Vĩnh Phúc. Thời gian khoảng 2h.
- Nếu đi bằng xe máy quãng đường khá ngắn và đi lại cũng rất thuận lợi. Từ Hà Nội đi theo đường Phạm Hùng, đi thẳng tới thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
- Xe bus: đi xe 58 (tuyến Long Biên – Mê Linh) tại trung chuyển Long Biên, rồi từ Mê Linh Plaza bắt xe 1 tới Vĩnh Phúc.