Vĩnh Yên - Lập Thạch - Sông Lô

1. Làng nghề mây tre đan Triệu Xá - Triệu Đề

Triệu Xá thời Nguyễn là địa danh một xã thuộc Tổng Sơn Bình - huyện Lập Thạch, phủ Vĩnh Tường, nay là thôn Triệu Xá - xã Triệu Đề. Triệu Xá có nhiều điểm tụ cư, xưa gọi là làng Kim, sau là làng Ngái, làng Bèo.

Các mặt hàng mây tre đan chủ yếu là những vật dụng trong gia đình như: thúng, mủng, nia, rổ, rá… Các công cụ lao động nông nghiệp ở ngoài đồng ruộng có gầu tát nước như gầu dai, gầu sòng. Sản phẩm Triệu Xá có mặt ở thị trường gần khắp miền Tây bắc Bắc bộ, ngược lên các bản rừng sâu, vùng xa, các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La…

Kết quả hình ảnh cho Làng nghề mây tre đan Triệu Xá-Triệu Đề

2. Đền thờ tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn

Đền ở thôn Đa Cai, xã Sơn Đông, đền thờ Trần Nguyên Hãn Tả Tướng Quốc, phò Lê Lợi diệt giặc Minh giải phóng đất nước thế kỷ XV. Đền được xây dựng trên một thế đất bằng phẳng, rộng cao, tương truyền chính là nơi đặt Phủ đệ cũ của Trần Nguyên Hãn. Đền được kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”, xung quanh có tường bao bọc tạo thành khuôn viên chữ “điền” vuông vắn. Liên quan tới di tích tương truyền còn có 2 vật cổ: Thanh Gươm và phiến đá mài gươm.

Chuyện kể rằng: thời kỳ giặc Minh thống trị nước ta, Trần Nguyên Hãn mới bước vào tuổi thanh xuân, trong một lần đi cày ở nương Gò Rạch, Trần Nguyên Hãn cày lên một thanh sắt dài như gươm, đêm đêm ông đem gươm ra mài ở một hòn đá lớn bên bờ ao Son, vì vậy hòn đá đó có tên là đá mài gươm, hòn đá có một vết lõm trông tựa như vết chém tương truyền đó là vết chém thử gươm của Trần Nguyên Hãn. Thanh gươm được Trần Nguyên Hãn mang bên người, tình cờ Trần Nguyên Hãn được một ông chủ bè ở cửa sông Phú Hậu tặng một thanh gỗ hình chuôi gươm vớt ở dưới lònh sông, khi cắm lưỡi gươm vào thì vừa khít, thanh gươm từ đó công hiệu.

Thanh gươm huyền thoại ấy đã gắn liền với những chiến tích lẫy lừng của vị công thần khai quốc thứ nhất triều Lê. Tương truyền, về sau Tôn Thất Thuyết đã mượn thanh gươm ấy đem đi Cần Vương chống Pháp, còn phiến đá sau một thời gian dài bị phù sa sông Lô lấp, ngày 12/1/1998 nhân dân thôn Đa Cai tìm thấy ở độ sâu 2m nghiêng về phía ao sen, chiều dài khoảng 2,49m, chiều rộng khoảng 1,6m, bề dày khoảng 0,4m và nặng khoảng 2 tấn. Phiến đá cổ tích này được chính quyền và nhân dân xã Sơn Đông trục vớt lên, chuyển về đặt trong khuôn viên đền thờ Tả Tướng Quốc để mọi người cùng chiêm ngưỡng dấu tích còn lại của người anh hùng thủa trước.
Còn đến với huyện Sông Lô, du khách sẽ được tham quan, nghiên cứu nhiều danh lam thắng cảnh gắn với các quần thể di tích mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa kết hợp với những điểm du lịch sinh hấp dẫn.

3. Núi Sáng - Thác Bay

Núi sáng ở địa phận 2 xã Đồng Quế và Lãng Công huyện Sông Lô, núi cao 633m. Khu núi Sáng tiếp liền với di chỉ khảo cổ học thời tiền sử với trận chiến Thu - Đông ở ghềnh Khoang Bộ.

 

Trong núi có rừng nguyên sinh, nhiều loại cây quý, hoa cỏ lạ.Trên núi Sáng có một cảnh đẹp vừa hùng vĩ vừa ngoạn mục đó là Thác Bay.

Để tận hưởng thú đi chơi thác Bay du khách phải tới được hết ngọn thác, cho nên không thể đi theo lối mòn trên núi mà phải lội ngược theo dòng suối. Bước đi nước chảy cuốn chân, sau khi vượt qua 2 thác nhỏ sẽ đến ngọn thác thứ 3 sừng sững lưng trời, thét gào vang động cả vùng. Thác cao chừng 30m, dòng nước dội từ trên cao đến lưng trừng bị thế đá ưỡn ra làm cho nước vồng lên rồi mới dội xuống. Khi dội xuống, nước cuốn một luồng không khí theo đến tận chân thác.

Tại đây nước và không khí “chia tay” mỗi người một ngả: nước chảy suôi dòng còn không khí thì cuộn ngược tạo thành luồng gió tạt vù vù ra khắp xung quanh, giống như bão lốc kèm theo mưa bay. Du khách tới đây không tránh khỏi ướt áo, nhưng dù ướt áo vẫn tung bay, tóc cũng tung bay và mọi thứ đều tung bay…Có lẽ vì thế mà người ta mới gọi là Thác Bay.

Dưới chân thác có hồ nước nhỏ trong veo, mát lạnh. Phía trên thác thứ 3 là một thác nhỏ cũng có 3 bậc như một thềm tam cấp xây bằng nước, ở bậc cuối cao chừng chục mét nước dội thẳng đứng tạo thành một bức mành mành trắng xoá. Các cụ bô lão trong vùng kể lại: “Thác Bay là tên mới đặt, xưa gọi là thác Trống đánh quân reo vì tương truyền ông Nguỵ Đò Chiêm chiêu tập quân sỹ chống giặc phương Bắc”. Từ ấy ngược lên sẽ tới Bách Bung, rối hang Đề Thám”.
 
4. Tháp Bình Sơn

Tháp Bình Sơn, còn gọi là Tháp chùa Vĩnh Khánh hay Tháp Then, là một ngôi tháp cổ, được xây dựng từ thời Trần, nằm ở trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh (chùa Then) thuộc thôn Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn huyện Sông Lô.

Tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIV là một trong những biểu tượng đặc sắc của Vĩnh Phúc, nó phản ánh lối sống, sinh hoạt văn hóa triều Trần và những dấu ấn còn xót lại của văn hóa thời Lý, là ngọn tháp tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý-Trần ở Việt Nam và là ngọn tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến ngày nay,Tháp Bình Sơn với hình khối thanh thoát, đường nét mềm mại, trang trí phong phú điêu luyện, là di tích lịch sử và di tích nghệ thuật có giá trị cao trên lãnh thổ Việt Nam. Tháp Bình Sơn đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 3/2016.

Tháp Bình Sơn tương truyền có 15 tầng, theo các cụ cao niên địa phương kể lại thì trên nóc tháp còn có một hình khối búp hoa sen chưa nở bằng đất nung tạo cho tháp một dáng vẻ thanh thoát vươn cao. Tháp hiện chỉ còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ vì phần chóp của tháp đã bị vỡ, có tổng độ cao là 16,5 mét. Tháp cấu tạo theo mặt bằng hình vuông nhỏ dần về phía ngọn với cạnh của tầng dưới cùng là 4,45 mét, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55 mét. Từ phía dưới nhìn lên màu đất nung như tự tỏa sáng, chân tháp có vành đai hình cánh sen khiến người ta có cảm giác tháp như mọc lên từ bông sen lớn.


Gạch in hoa trên tháp cổ

Thân của tháp Bình Sơn được cấu trúc bằng hai lớp gạch: gạch khẩu chịu lực có nhiều kích cỡ để trơn được sử dụng xây bệ, xây bên trong tháp và giật cấp làm mái phân tầng. Phần lớn các viên gạch khẩu được cấu trúc có mộng chốt, tạo dáng khớp nhau theo từng lớp, từng tầng rồi mới nung rắn chắc để xây, bảo đảm liên kết tốt và khả năng chịu lực lớn. Bên ngoài, xung quanh tháp được ốp một lớp gạch vuông, mỗi cạnh dài 0,46m, phủ kín thân tháp.Mặt ngoài của gạch ốp này đều có trang trí hoa văn rất phong phú.Tháp Bình Sơn đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh, tinh thần của người dân nơi đây, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật, phản ánh đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.

Với hình khối thanh thoát, đường nét mềm mại, trang trí hài hòa, là một trong những di tích lịch sử và nghệ thuật vào bậc nhất trên lãnh thổ Việt Nam, sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Bản quyền thuộc về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

xtdlvp@gmail.com
0211 2211 637 - 0211 2211 647
Đường Lạc Long Quân, P. Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

IZOMI