Thời gian: ngày 15 tháng 2 âm lịch Địa điểm: Khu danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc
Chùa Tây Thiên Vĩnh Phúc ấn tượng với kiến trúc độc đáo và hùng vĩ, là ngôi chùa đẹp tựa lưng vào núi. Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng 2, du khách thập phương cùng những Phật tử đều quy tụ về đây làm lễ, tưởng nhớ người xưa. Đây được xem là điểm du lịch Vĩnh Phúc cực kỳ hấp dẫn du khách.
Để tổ chức thành công lễ hội, người dân và chính quyền địa phương chuẩn bị lễ hội từ tháng 11 âm lịch của năm trước đến khoảng tháng 2 âm lịch năm sau. Đoàn tế của xã gồm khoảng 30 người, trong đó có một vị chủ tế, ba vị bồi tế, hai xướng tế, một người đánh chuông, một người đánh trống và phường bát âm. Bên cạnh đó, mỗi người một việc, cùng đóng góp các lễ vật vào ngày lễ. Chủ tế được chọn phải là bậc cao niên, khỏe mạnh, gia đình song toàn, đông đúc. Đúng sáng ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm, 14 xóm thuộc xã Đại Đình cùng tham gia rước Thánh Mẫu từ đền Mẫu Sinh ra chùa Ngò rồi về đền Thỏng. Lễ vật gồm có xôi, lợn quay, gà, hoa quả, ngoài ra còn có bánh giầy, chè lam, xôi đen và thịt chua của người Sán Dìu. Sau khi tổ chức 14 xóm cùng nhau, các xóm lại tự tổ chức lễ tế riêng nên nếu không tham dự được lễ chính, du khách có thể ghé từng xóm để tham dự nhé!
Lễ hội Tây Thiên thường có 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ có các hoạt động: Lễ cáo, lễ rước kiệu, lễ dâng hương Quốc Mẫu Tây Thiên tại đền Thỏng, lễ dâng hương tại chùa Thượng và đền Thượng, lễ tạ. Phần hội tổ chức hoạt động thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, thi đấu bóng chuyền nam, nữ toàn tỉnh; tổ chức giải kéo co, cờ tướng, nhảy bao bố, vật dân tộc; tổ chức hội thi làm bánh chưng gù, bánh gio và bánh dày, thi nấu cơm; tổ chức hội trại văn hóa các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trong huyện; giao lưu văn nghệ quần chúng và liên hoan dân ca Soọng Cô, trình diễn trang phục dân tộc huyện Tam Đảo; tổ chức hội chợ thương mại – du lịch.
0 bình luận