Soọng Cô của người Sán Dìu - Kho tàng văn hóa dân ca

Soọng Cô của người Sán Dìu - Kho tàng văn hóa dân ca

Thời gian: tháng 11 - tháng Chạp âm lịch

Trong các giá trị văn hóa truyền thống của người Sán Dìu thì hát Soọng Cô là làn điệu dân ca đặc sắc được lưu giữ hàng trăm năm trong kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian ở Vĩnh Phúc. Soọng Cô của người Sán Dìu ở các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo tiếng Sán Dìu, Soọng nghĩa là xướng, Cô nghĩa là ca. Có lịch sử ra đời và phát triển gắn liền với đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng, nội dung của Soọng Cô rất phong phú, đề cập đến tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, ca ngợi trong lao động, ướm hỏi tỏ tình, thăm hỏi gia đình...

Qua khảo sát thực tế, Soọng Cô của người Sán Dìu có khoảng gần 1.000 bài. Là tiếng nói của người lao động, vì vậy, ngôn ngữ trong Soọng Cô có nguồn gốc dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác, hồn nhiên của người nông dân. Ngôn từ của Soọng Cô sử dụng từ tượng hình, tượng thanh khá phong phú và hấp dẫn. Cách xưng hô trong Soọng Cô thể hiện rõ phương thức diễn xướng hát đối đáp trực tiếp, chủ yếu ở ngôi thứ nhất và thứ hai. Đây là thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ được lưu truyền qua nhiều thế hệ; lời ca và giai điệu Soọng Cô mềm dẻo, đầy sức lan tỏa, diễn tả tâm tư, tình cảm của người hát.

Theo truyền thống, tục hát Soọng Cô thường diễn ra vào dịp nông nhàn, sau khi thu hoạch vụ mùa vào tháng 11, tháng Chạp âm lịch hoặc trong các dịp lễ hội, Tết đến Xuân về, đám cưới, hát giao duyên, đón bạn bè, anh em… Mỗi cuộc Soọng Cô có thể kéo dài 5 – 7 ngày, có khi tới 15 ngày, từ làng này qua làng khác, cuộc vui không chỉ của một gia đình mà của cả làng, cả xóm. Trình tự cuộc hát thường bắt đầu từ “hát làm quen”, đến “hát chào hỏi”, “hát mời nhau uống nước, ăn trầu”, “hát tâm tình đôi bên nam nữ”, “hát sang canh gà gáy”, “hát chia tay”… Cứ như vậy, cuộc hát đối đáp đến nửa đêm thì ông bà chủ nhà lại dọn cơm ra mời những người tham gia hát cùng ăn. Chủ khách chúc rượu nhau vui vẻ, rồi cuộc vui lại tiếp tục đến sáng…

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Bản quyền thuộc về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

xtdlvp@gmail.com
0211 2211 637 - 0211 2211 647
Đường Lạc Long Quân, P. Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

IZOMI