Thời gian: ngày 18 tháng Chạp âm lịch (Lễ khao thọ - 55 tuổi) và ngày 14 đến ngày 23 tháng Giêng âm lịch (Hội xuân) Địa điểm: Đình Thổ Tang, xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
Hội xuân làng Thổ Tang ở Vĩnh Phúc thường tổ chức hàng năm tại đình Thổ Tang, thuộc địa phận huyện Vĩnh Tường.
Đối tượng được người dân làng Thổ Tang suy tôn là Thần Đất (Nuôi Ná), Phùng Thị Dung tiên nương, Lâu Hổ Hầu là người đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Tục truyền, Lâu Hổ Hầu chính là người đã hóa đất Thổ Tang. Để tướng nhớ tới công ơn của người xưa, hàng năm cứ đến ngày 14 tháng Giêng âm lịch, người dân lại từng bừng mở hội để rước thần về dự hội.
Nơi đây là vùng trung du đẹp tươi với phong cảnh hùng vĩ, phía Tây và phía Đông có những ngọn đồi lớn, cây cối tươi tốt, lại còn có một con ngòi ôm ấp cánh bãi ven làng. Trong làng, đường xá được lát gạch sạch sẽ, nhà ngói san sát nhau. Cũng như nhiều ngôi làng ở miền Bắc, làng Thổ Tang thường mở hội mừng xuân. Lễ hội Xuân làng Thổ Tang thường được bắt đầu từ ngày 14 và kết thúc vào ngày 24 tháng Giêng âm lịch.
Hội Xuân của làng Thổ Tang thường bắt đầu bằng cuộc rước từ miếu Trúc về đình làng theo nghi lễ truyền thống. Trong lễ tế Thành Hoàng và lễ cúng Thần Hổ, lễ vật được chuẩn bị bao giờ cũng có các ông Đô. Ông Đô chính là một con lợn được làng nuôi. Ông Đô yêu cầu thân phải dài, đen tuyền, béo mập. Tục làng không chấp nhận lợn bị lang nên ông Đô dù có đẹp đến mấy nhưng có lẫn sợi lông trắng đều bị loại. Khi mổ thịt cúng thần, làng phải chọn trai tân là người chọc tiết. Ngoài phần thịt để dâng lên thần, thịt các ông Đô sẽ được chia cho các giáp trong làng.
Việc chọn các ông Đô là một tục lệ khuyến khích việc chăn nuôi tại làng Thổ Tang. Trên thực tế, người dân quanh vùng đều công nhận người dân làng Thổ Tang rất giỏi chăn nuôi. Đặc biệt, người làng Thổ Tang có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn giống và chăn nuôi lợn. Ngoài trồng trọt, nuôi lợn cũng là một nghề mang lại nguồn thu cho người Thổ Tang ở Vĩnh Phúc.
0 bình luận