Hát ca trù
  • Tiếng Việt
  • English

Ca trù là loại hình nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm và đặc biệt là hát nói.

Ca trù là loại hình diễn xướng rất thịnh hành từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc. Ca trù là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm, trong đó phổ biến nhất là hát nói.Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt là đàn đáy, phách và trống chầu. Ca trù gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt... 

Từ "ca trù" được cho là lấy từ chữ Hán - Nôm: 歌籌 nghĩa là lối hát bỏ thẻ tre, người nghe hát thấy chỗ nào hay thì ném thẻ cho đào hát. Ca trù còn có những cái tên khác như: Hát cửa đình, hát nhà trò (hát ở đình, đền, miếu), hát cửa quyền (trong cung phủ), hát nhà tơ (hát ở dinh quan, tư gia các gia đình quyền quý), hát ả đào, hát cô đầu (hát ở các ca quán)... Trước kia, Vĩnh Phúc có khoảng 200 đình làng có tục hát cửa đình. Theo một số nhà nghiên cứu nhận định, hát cửa đìnhở Vĩnh Phúc, nhất là các xã ven sông Lô, sông Hồng thuộc các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Vĩnh Tường, thường là hát xoan, hát trống quân. Tuy nhiên, có rất nhiều làng xã mời các phường hát ca trù về biểu diễn thờ thần và phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân. Có nhiều tài liệu lịch sử khẳng định sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật hát ca trù ở Vĩnh Phúc vào thời Lê – từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, theo kết quả khảo sát điền dã của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện nay có 22 văn bia có ghi nội dung về mua bán quyền hát cửa đình. Đây là một loại hình văn bản mua bản quyền mang tính độc đáo của người dân trong vùng, gắn với kiểu thức bỏ thẻ tre cho đào hát. Nghĩa là khi biểu diễn tại các cửa đình (dùng đình làm sân khấu), người ta không thu tiền trực tiếp theo kiểu bán vé xem ca nhạc như hiện nay, thay vào đó là thu tiền gián tiếp theo thẻ. Thẻ thu tiền chữ Hán – Nôm gọi là "trù tiền". Thẻ làm bằng tre có đánh dấu mỗi thẻ tương ứng với số tiền, do giáo phường và địa phương nơi có cửa đình thống nhất quy định, thông thường là 3 quan. Cứ đến đoạn diễn hay thì người cầm trịch lại chủ trì giơ một chiếc thẻ cho khán giả biết rồi ném vào thùng đựng thẻ. Sau buổi diễn, căn cứ vào số thẻ mà địa phương trả thù lao cho các giáo phường. Ngoài ra còn có ghi chép về tục hát cửa đình trong ngọc phả, xã chí, hương ước của các làng, xã trên địa bàn tỉnh.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Bản quyền thuộc về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

xtdlvp@gmail.com
0211 2211 637 - 0211 2211 647
Đường Lạc Long Quân, P. Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

IZOMI