Nhắc tới Vực Xanh, người dân Vĩnh Tường đều chung niềm tự hào bởi vẻ đẹp tự nhiên, đằm thắm vốn có của nó. Vực không chỉ là cảnh đẹp mà còn có giá trị lịch sử, văn hoá và giá trị tâm linh rất lớn. Với người dân Vĩnh Tường, Vực Xanh là trung tâm văn hóa, là niềm tự hào về hình ảnh quê hương.
Vào cuối thế kỉ XIX, một trận lũ lớn từ thượng nguồn bất ngờ tràn về, đê sông Hồng vỡ. Dòng lũ dữ với sức mạnh ghê gớm ấy đã cuốn phăng mọi thứ trên đường nó qua và xoáy một vùng đồng rộng khoảng 18 mẫu trở thành một cái hồ lớn với ba mạch nước ngầm là Vực Xanh bây giờ. Hồ Vực Xanh rộng hơn 3ha, là trung tâm của huyện lỵ Vĩnh Tường đã được đầu tư xây kè bờ bằng đá, không chỉ có hàng rào tay vịn bảo vệ mà góc hồ phía đông có sân khấu thủy tạ để sinh hoạt cộng đồng mỗi dịp tết đến xuân về tập nập, nhộn nhịp. Đường giao thông quanh hồ Vực Xanh theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại, có dải phân cách, có đèn chiếu sáng trông khá bắt mắt.
Cái tên Vực Xanh còn gắn với một truyền thuyết xa xưa. Theo nhiều vị cao niên trong vùng kể lại thì có một truyền thuyết lưu miệng rằng, vào một buổi đẹp trời ở giữa hồ tự nhiên nổi lên 3 ông tượng đá; cho rằng đó là điềm lành hiển linh nên dân hai thôn Nhật Tân và Yên Cát đều muốn kéo 3 bức tượng về phía thôn mình. Quan Phủ Vĩnh Tường khi ấy đã phán rằng cứ để tượng đá tự trôi về phía nào thì tượng thuộc về thôn ấy. Ít lâu sau, tượng đá trôi về phía thôn Yên Cát, nhân dân đã vớt và đem thờ trong chùa. Thời gian sau, một trong ba ông tượng tự nhiên hoá thành nước và chảy xuống lòng hồ, nước hồ từ đấy luôn xanh biếc bất kể xuân – hạ – thu – đông nên mới có tên gọi Vực Xanh.
Năm 2021, dự án cải tạo, bảo tồn và phát triển du lịch, dịch vụ cơ bản đã hoàn thành trong sự hân hoan đón chào của nhân dân trong huyện. Vực Xanh lại trở về với vẻ đẹp quyến rũ – vừa giữ được nét đẹp tự nhiên khá thi vị, êm ả, vừa pha chút hiện đại. Từ trên cao nhìn xuống, hồ như tấm gương hình bầu dục khổng lồ tráng thủy ngân xanh in bóng mây trời và những cánh cò trắng muốt thong thả bay qua. Nước hồ mang một màu xanh đằm thắm: xanh biếc của mây trời, xanh lục của cây lá quanh hồ, xanh phơi phới của những đôi mắt biếc… Màu xanh ấy lúc nào cũng tươi mới, tràn trề sức sống. Xung quanh bờ hồ được kè đá, phía trên bờ là hàng rào kiên cố uốn cong mềm mại tạo nét đẹp trang nhã. Thỉnh thoảng, lại có một lối rẽ xuống hồ có bậc đá, tay vịn, cột trụ trạm trổ hoa văn cổ khá cầu kì, đẹp mắt. Buổi sáng, cảnh hồ thật thanh bình, êm ả. Những làn sương lảng bảng phủ kín mặt hồ tạo cảm giác huyền ảo. Chỉ một lát sau, khi mặt trời nhô lên, vạn vật quanh hồ như òa tươi trong nắng sớm. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng như nô giỡn với những tia nắng xuân dịu mát. Khách sạn Đông Phong uy nghi soi bóng xuống mặt hồ. Xa xa, xóm làng Yên Cát trù phú. Những ngôi nhà cao tầng với nhiều kiểu kiến trúc sầm uất như báo hiệu quê hương đang "thay da đổi thịt". Xung quanh hồ, quán xá, cửa hàng ăn uống, cửa hàng giải khát đua nhau mọc lên tạo ra cảnh nhộn nhịp, vui tươi nơi phố huyện.
Chiều tà, hồ lại mang một vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn, dịu dàng đến nao lòng khách qua.Tiếng chuông chùa làng Yên Cát lúc trầm bổng, lúc ngân nga. Kế bên, đền thờ các anh hùng liệt sĩ huyện thâm nghiêm, trầm mặc làm cảnh hồ thêm diễm lệ. Có lẽ, Vực Xanh đẹp nhất, nhộn nhịp nhất về đêm. Ánh đèn quanh hồ và khách sạn bật sáng lung linh, đèn hoa đăng thả trên mặt hồ ửng hồng. Quán xá quanh hồ náo nhiệt khách vào ra, tiếng nhạc dập dìu như níu chân người dừng lại. Đi dạo quanh hồ, tôi như nghe tiếng ngọn gió lúc êm ả như ru, lúc lao xao, rì rào như hát, lúc phần phật như quạt mang theo cái trong lành, mát mẻ làm sảng khoái tâm hồn…Già trẻ, trai gái từng đoàn rủ nhau đi dạo mát quanh hồ vừa trò chuyện, tâm tình.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn